Hệ thống giáo dục Ontario
Ontario – bang lớn nhất của Canada được công nhận toàn cầu là một trong những nơi dẫn đầu về nền giáo dục chất lượng cao, cung cấp môi trường an toàn, thân thiện và là điểm đến lý tưởng cho học sinh và gia đình từ khắp nơi trên thế giới.
“Cấu trúc chương trình giáo dục của bang Ontario cho phép học sinh tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ và nền văn hoá khác nhau, hình thành góc nhìn toàn cầu để nắm bắt các cơ hội phát triển trên toàn thế giới. Mục tiêu chương trình cũng như cam kết giáo dục của bang Ontario là mang lại sự thành công cho mọi học sinh.
Chương trình giảng dạy Ontario tập trung vào các kỹ năng của thế kỷ 21 như tư duy phản biện, khám phá và sáng tạo, đồng thời khuyến khích học sinh cởi mở với những sự khác biệt để hoà nhập và thích nghi với thế giới không ngừng chuyển động.”
Nguồn: Bộ Giáo dục Ontario
Chương trình Ontario được giảng dạy dựa trên những phương pháp sau:
- Xây dựng môi trường học tập tôn trọng, bình đẳng và tương tác hỗ trợ (ví dụ: thiết lập bộ nội quy lớp học, lắng nghe nguyện vọng của học sinh, tổ chức chỗ ngồi, xây dựng hình ảnh công dân toàn cầu)
- Đặt học sinh là trung tâm để thiết kế bài giảng phù hợp văn hóa và mục tiêu học tập, khuyến khích tính độc lập và tương tác (ví dụ: kết hợp hoạt động học tập cá nhân và theo nhóm, tổ chức thảo luận chuyên sâu, cung cấp kiến thức về phương tiện truyền thông)
- Thiết kế các hoạt động thực tế (ví dụ: thiết kế đồ họa về quyền của trẻ em, xây dựng các chương trình vì hòa bình, biên soạn chủ đề báo trường về các vấn đề toàn cầu)
- Áp dụng các phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp với mục tiêu học tập và hình thức giảng dạy (ví dụ: tự đánh giá, đánh giá từ bạn cùng lớp/ giáo viên, nhật ký học tập,…)
- Tạo trải nghiệm học tập đa dạng: học trên lớp, hoạt động ngoại khoá của trường / thành phố / quốc tế (ví dụ: hoạt động của thành phố, chương trình giao lưu quốc tế, cộng đồng online)
- Định hướng giáo viên trở thành tấm gương tốt cho học sinh (ví dụ: nắm bắt thông tin thời sự, tham gia hoạt động tình nguyện, bảo vệ môi trường và tôn trọng bình đẳng).
Nguồn: Thư viện kỹ thuật số UNESCO